CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VỚI NGÀNH PHÂN BÓN

4/2/2021 | Lượt đọc: 69870

1. Giới thiệu khái quát về các cuộc cách mạng công nghiệp

Loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được gọi là Công nghiệp 4.0. 

+

+ Cách mạng công nghiệp 1.0

Cuộc cách mạng lần thứ nhất được coi là bắt đầu ở Anh, nơi khi đấy điều kiện sống khá hơn các khu vực khác, vào cuối thế kỷ 18 với sự ra đời của máy hơi nước nhằm đáp ứng nhu cầu dệt may. Tiếp theo, kỹ thuật luyện kim được cải thiện, nhu cầu sử dụng than cho động cơ hơi nước tăng cao đã kéo theo sự biến đổi toàn diện về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa. Hệ thống đường sắt được xây dựng tại châu Âu, tạo điều kiện cho con người có thể đi được xa hơn và liên lạc được tốt hơn bằng hệ thống điện tín. Nông nghiệp cũng phát triển mạnh nhờ các nghiên cứu về canh tác, sinh học. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, dân số tăng trưởng nhanh và nước Anh và vùng Tây Âu bắt đầu giành lấy vị thế thống trị trên toàn cầu. Tiêu chí quan trọng nhất của cuộc cách mạng kỹ thuật lần này là máy móc thay thế công cụ thủ công. Năm 1733 “thoi bay” được phát minh, năm 1765 chiếc xa kéo sợi kéo được 8 cọc sợi một lúc đã được chế tạo. Năm 1785, phát minh quan trọng trong ngành dệt là máy dệt vải, máy này đã tăng năng suất dệt lên tới 40 lần. Về giao thông vận tải: Năm 1804, chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước đã ra đời. Đến năm 1829, vận tốc xe lửa đã lên tới 14 dặm/giờ. Thành công này đã làm bùng nổ hệ thống đường sắt ở châu Âu và châu Mỹ. Năm 1807, Robert Fulton đã chế ra tàu thuỷ chạy bằng hơi nước thay thế cho những mái chèo hay những cánh buồm.

+ Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0

Ngay sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã diễn ra nhờ sử dụng nguyên liệu dầu mỏ và động cơ đốt trong. Vào giai đoạn này, điện năng được sử dụng nhiều hơn và công nghệ kỹ thuật được phát triển vượt bậc. Điện thoại, tivi, đài phát thanh.....được phát minh đã thay đổi xã hội đương thời. Xu thế đô thị hóa bắt đầu tăng nhanh gây ra những thay đổi tích cực trong xã hội. Về nông nghiệp, sự phát triển của phân vô cơ hay còn gọi là phân hóa học, các tiến bộ về sinh học,….đã thúc đẩy việc tăng năng suất cây trồng. Nhờ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 này mà một số quốc gia đặc biệt là Mỹ và Tây Âu được hưởng cuộc sống hiện đại hơn.

+ Cách mạng công nghiệp 3.0

Còn có những ý kiến chưa thống nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 được cho là bắt đầu từ khoảng cuối những năm 70 khi nhiều cơ sở hạ tầng điện tử, số hóa và máy tính phát triển mạnh. Vào thập niên 1960, chất bán dẫn và các siêu máy tính được xây dựng, đến thập niên 70-80 thì máy tính cá nhân ra đời và Internet bắt đầu được biết đến nhiều trong thập niên 90. Cho đến cuối thế kỷ 20, Internet và hàng tỷ thiết bị công nghệ cao cùng nhiều phát minh mới đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội, qua đó hoàn thiện quá trình cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

+ Cách mạng công nghiệp 4.0

Vào đầu thế kỷ 21 với làn sóng các cuộc cách mạng số, những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự động kết nối cao (Internet of Thing), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới...đã xuất hiện và phát triển, có người coi đây là bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giai đoạn đầu thế kỷ 21 mới thai nghén cuộc cách mạng thứ 4 và cuộc cách mạng thứ 3 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Làn sóng thứ 4 chỉ thực sự bắt đầu từ khoảng năm 2010 khi những tiến bộ khoa học vượt bậc cho phép con người vươn ra ngoài không gian. Nhiều chuyên gia thậm chí coi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng khoa học công nghiệp vũ trụ khi con người có thể khám phá, khai thác và sinh sống ngoài trái đất.

2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Công nghiệp 4.0 kết nối vật lý với kỹ thuật số và cho phép cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, sản phẩm và con người.

Công nghiệp 4.0 cho phép các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh và chuỗi cung ứng cũng thông minh, và làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt, linh hoạt và đáp ứng khách hàng hơn. Sự thay đổi mô hình trong Công nghiệp 4.0 dựa trên các nguyên lý quan trọng là khả năng giao tiếp của tất cả các yếu tố của nhà máy, hệ thống vật lý không gian mạng, robot, hệ thống thông tin doanh nghiệp, sản phẩm thông minh và con người, cũng như hệ thống phần ba.

Công nghiệp 4.0 đang giúp các công ty dễ dàng hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các khách hàng, nhà sản xuất, nhà cung cấp và các bên khác trong chuỗi cung ứng.  Nó cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh, cho phép chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số và cung cấp cơ hội để đạt được tăng trưởng kinh tế và bền vững.  

Đơn cử mảng giao thông như sản xuất ô tô ngày nay cũng đang có sự thay đổi chóng mặt không chỉ về công nghệ mà còn những ứng dụng về vận tải như Grab, Uber cũng đủ khiến ngành taxi truyền thống chao đảo, hệ thống lái xe tự động và trí thông minh nhân tạo cùng xe điện của hãng Tesla đang làm ngành xe hơi phải xem xét lại chiến lược phát triển trong tương lai.

Những lợi ích mà Công nghiệp 4.0 mang lại cho các doanh nghiệp được tóm tắt cụ thể như sau: Tăng khả năng cạnh tranh trong kinh doanh; Tăng năng suất và doanh thu; Tối ưu hóa quy trình sản xuất; Phát triển công nghệ tăng tốc; Dịch vụ khách hàng tốt hơn.

Cách mạng công nghiệp lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Công nghệ 4.0 kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật số. Công nghiệp 4.0 về cơ bản tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ thời gian vừa qua nâng lên cấp độ hoàn toàn mới.

3. Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành phân bón

Riêng trong mảng nông nghiệp, các quốc gia ngày nay đang khuyến khích việc sử dụng công nghệ cao với những kỹ thuật biến đổi gen, phân phối nước, điều tiết dinh dưỡng đất trồng... nhằm nâng cao năng suất.

Công nghiệp 4.0 quan tâm đến phương cách phát triển, sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc kết nối và tích hợp tự động các sự vật và quy trình để tạo thành hệ thống vật lý mạng. Rõ ràng là những thay đổi lớn đã và đang diễn ra với tốc độ cấp số nhân mỗi ngày trong lĩnh vực dữ liệu lớn. Những thay đổi này có ý nghĩa quan trọng và hỗ trợ đáng kể cho các quy trình công nghiệp đạt đến sản xuất hoàn hảo, trong đó những thách thức điển hình trong lĩnh vực sản xuất - hỏng hóc máy móc, lỗi sản phẩm, phế liệu - được loại bỏ, giúp các nhà sản xuất hoạt động hiệu quả nhất có thể. Một số lợi ích công nghệ cao có liên quan đến các quy trình sản xuất trong ngành, chẳng hạn như năng suất cao hơn, quy trình phù hợp hơn, giao tiếp được cải thiện do thông tin được lưu trữ đầy đủ, xử lý và chia sẻ nhanh hơn, thông tin có giá trị sẽ được áp dụng vào giai đoạn lập kế hoạch và sản xuất, giảm thiểu thời gian chết,…..

Cũng có khá nhiều người hoạt động trong ngành hoá chất, phân bón băn khoăn về việc liệu có thể áp dụng Công nghiệp 4.0 trong ngành hóa chất, phân bón. Công nghiệp 4.0 tập hợp một số công nghệ kỹ thuật số và vật lý tiên tiến để tạo thành một kết nối vật lý-kỹ thuật số-vật lý lớn hơn — và nó có khả năng biến đổi ngành công nghiệp hóa chất bằng cách thúc đẩy tăng trưởng chiến lược và hợp lý hóa hoạt động. Công nghiệp 4.0 trong ngành hóa chất, phân bón có thể đóng góp cụ thể và việc sản xuất thông minh, kế hoạch hoàn hảo cho việc cung ứng nguyên, nhiên liệu cho sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông minh.

Dưới đây là một trong các thí dụ về áp dụng Công nghiệp 4.0 tại Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao. Ngành phân bón gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm gần đây, 2019-2020, nguyên nhân thì có nhiều như giá nông sản, hạn hán thiên tai, dịch bệnh CoViD,….nhưng một trong các nguyên nhân là hiện tượng phân bón giả hoành hành ở nhiều vùng. Để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm bán ra, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng, Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã triển khai thực hiện việc sử dụng Tem thông minh có gắn mã QR Code. Việc gắn tem thông minh QR code cho tất cả các sản phẩm phân bón là dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, đổi mới các quy trình quản trị nội bộ của Công ty từ quy trình xuất bán hàng (áp dụng mã QR); quy trình xuất bán sản phẩm (tại các xí nghiệp sản xuất); quy trình kiểm soát vùng bán; quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy trình chăm sóc khách hàng và các chương trình khuyến mại thúc đẩy hỗ trợ bán hàng. Dự kiến sau khi thử nghiệm có kết quả tốt, dễ và tiện lợi áp dụng, toàn bộ sản phẩm của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đưa ra thị trường sẽ được dán tem này.

                                                                                                           TS. Phùng Hà

                                                                                       Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam

 

Từ khóa: ,