Hiệp hội Phân bón Việt Nam làm việc với một số Cục, Vụ của Bộ Công thương

22/7/2021 | Lượt đọc: 54860

Trước tình hình giá phân bón tăng đột ngột từ đầu năm 2021 đến nay, ngày 20 tháng 7 năm 2021. đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm đại diện của Cục Hóa chất, Cục Xuất, nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Tham gia làm việc với đoàn của Bộ Công Thương có ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Hai bên đã trao đổi, đánh giá về hiện trạng sản xuất, xuất nhập khẩu, nguyên nhân tăng giá phân bón và bàn bạc về một số giải pháp góp phần giảm nhiệt giá phân bón.

+

Về sản xuất, 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sản xuất khoảng 2 triệu tấn phân bón, trong đó DAP tăng 87%, NPK tăng 36%, urea tăng 24%, phân lân tăng 16%. 6 tháng đầu năm Đạm Cà Mau sản xuất 456.000 tấn, lợi nhuận 410 tỷ đồng. Đạm Phú Mỹ sản xuất được 378.000 tấn, lợi nhuận 502 tỷ đồng.

Về nhập khẩu  tháng đầu năm 2021 nhập khẩu 2,3 triệu tấn phân bón các loại, giá trị 645 triệu USD tăng 15% về lượng và 27% về kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 6 đạt 440.000 tấn, tương đương 126 triệu USD, giảm 19% về lượng và 21% về giá trị so với tháng 5 năm 2021.

Về xuất khẩu, Việt Nam là quốc gia nhập siêu phân bón, lượng xuất khẩu ở mức thấp, năm đạt lượng xuất khẩu lớn nhất là năm 2012 với giá trị gần 500 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2021: Xuất khẩu phân bón 6 tháng đầu năm 2021 đạt 660.000 tấn, tương đương 231 triệu USD, tăng 41% về lượng và 71% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là lượng xuất khẩu các tháng gần đây đã giảm dần, tháng 5 cả nước đạt 104.230 tấn, trị giá 35,7 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giá trị so với tháng 4/2021 nhưng so với tháng 5 năm 2020 tăng 28,7% về lượng và 46,5% về kim ngạch. Xuất khẩu trong tháng 6 đạt gần 88.000 tấn, tương đương 45,5 triệu USD, giảm hơn 15,5% về lượng, tăng 27,5% về giá trị so với tháng 5/2020.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao. Tại thị trường trong nước, giá phân bón sản xuất trong nước tăng từ khoảng 8% đến 55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55%; phân DAP tăng 35 đến 50%; phân supe lân tăng hơn 8%; phân NPK tăng 15% đến 20%.

Giá phân bón tăng phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào như khí NH3, than, lưu huỳnh, axit H2SO4, quặng apatit, chi phí vận chuyển… tăng. Trong sáu tháng qua, các nguyên liệu này đồng loạt tăng từ 105% đến 133%. Việc tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng lớn đến giá phân bón trong nước. Một số doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê từ khí cho biết, giá khí chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất.

Trong đó, chi phí vận chuyển trong thời gian qua đội lên gấp nhiều lần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu cũng là nguyên cơ bản khiến giá phân bón tăng. Cụ thể, giá vận chuyển tăng gấp 2-3 lần so với năm 2020.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa khiến nguồn cung trên toàn thế giới giảm mạnh. Từ đó làm mất cân bằng cung cầu phân bón trong khu vực cũng như thế giới. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách và sản lượng phân bón sản xuất tại Trung Quốc, cường quốc về sản xuất và tiêu thụ cũng ảnh hưởng nhiều đến giá và nguồn cung phân bón.

Dù phân bón là sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và có một phần xuất khẩu nhưng do nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có độ mở cao nên việc giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao thì giá phân bón trong nước cũng phải tăng theo.

Một số đề xuất/kiến nghị giải pháp để bình ổn thị trường phân bón trong nước

1. Đối với các doanh nghiệp sản xuất

Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tăng tối đa công suất đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.

2. Đối với các đơn vị sản xuất/kinh doanh và kinh doanh

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần phối hợp với các bên kiểm soát tránh tình trạng nhà phân phối đầu cơ, găm hàng gây sốt phân, sốt giá. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần triển khai các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người nông dân.

3. Người sử dụng/bà con nông dân

Người nông dân nên sử dụng phân bón cho cây trồng ở mức phù hợp để tiết kiệm chi phí, đồng thời hạn chế bón phân đối với những loại cây trồng đang có giá cả đầu ra bấp bênh. Thực hiện 5 đúng theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với cây lúa, cần áp dụng các biện pháp khoa học tiến tiến như: “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm tối đa giá thành, tăng năng suất từ đó mới đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Người nông dân cũng nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất.

4. Sửa đổi Luật 71 về thuế GTGT

Đề xuất Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế số 71, theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0%-5% là điều hết sức cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành.

5. Chính sách về xuất, nhập khẩu và phòng vệ thương mại

Trong trường hợp cần thiết có thể vận dụng các công cụ về thuế, suất nhập khẩu, tuy nhiên cần phải căn cứ vào các hiệp định song phương, đa phương mà nước ta đã tham gia ký kết. Cần có những đánh giá cụ thể và chính xác về ảnh hưởng của thuế phòng vệ thương mại đối với sản xuất, đối với giá thành phân bón trong nước.

6. Vai trò của quản lý nhà nước

Cần tăng cường công tác kiểm tra, việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ, giám sát kiểm tra việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Cần giảm một số thủ tục gây tốn kém không cần thiết cho đơn vị sản xuất./.

Từ khóa: ,