Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới

9/12/2021 | Lượt đọc: 70452

Dự báo giá phân bón trong nước sẽ tăng và lập đỉnh mới trong quý I/2022, đặt nông dân vào tình thế chưa sản xuất đã thấy cảnh thua lỗ. 

+

Tập đoàn Vinacam (đơn vị nhập khẩu phân bón) vừa đưa ra một số nhận định về tình hình thị trường phân bón cuối tháng 12/2021 và quý I/2022. 

gia-phan-bon-5466-1638864116.jpg

Dự báo giá phân bón trong nước tiếp tục tăng trong quý I/2022. 

Vinacam cho biết sau một thời gian dài tăng mất kiểm soát, giá phân Urea và SA đã lập đỉnh trong tháng 11 và có chiều hướng chững lại từ đầu tháng 12, đặc biệt là Urea hạt trong.

Giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13.000.000 - 13.500.000 đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17.000.000 - 17.500.000 đồng/tấn và sẽ hướng tới 18.000.000 đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.

Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ, do vậy giá DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và dự kiến DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23.000.000 đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24.000.000 - 25.000.000 đồng/tấn.

Bản tin của Vinacam cho biết phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện. Duy nhất, khả năng DAP 64% Hoá chất Đức Giang là có thể giao từ tháng 12 cho các hợp đồng đã ký từ tháng 10 nhưng mức giá vốn vào đến TP.HCM đã lên đến trên 20.000.000 đồng/tấn.

"Tình hình trên cho thấy, ngoại trừ DAP và Kali miểng có thể mua trước cho kế hoạch sản xuất thì các loại nguyên liệu khác chỉ nên mua cầm chừng theo phương án sản xuất đến đâu mua đến đó", Vinacam đánh giá.

Trao đổi với VnBusiness, TS. Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ 970 của Bộ NN&PTNT), cho biết mấy tuần qua, Tổ 970 đã nhận được nhiều phản ánh về giá vật tư đầu vào, trong đó có giá phân bón tăng mạnh, phân Urea từ 8.000 đồng/kg đã tăng tới 16.000 - 17.000 đồng/kg. Đây là điều đáng lo, tác động tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của người nông dân.  

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 3,8 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỷ USD, giá trung bình 301,5 USD/tấn, tăng 20,4% về khối lượng, tăng 46,8% về kim ngạch và tăng 21,9% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tháng 10/2021 tăng 45,3% về lượng, tăng 68,5% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với tháng 9/2021, đạt 376.498 tấn, trị giá 148,13 triệu USD, giá trung bình 393,4 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, trong tháng 10/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng trở lại 30,4% về lượng, tăng 52% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 9/2021, đạt 143.694 tấn, tương đương 55,72 triệu USD, giá 387,8 USD/tấn. Tính chung 10 tháng năm 2021 nhập khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá 490,31 triệu USD, giá trung bình 288,8 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 28,9%, 63,7% và 26,9%, chiếm 44,6% tổng lượng và chiếm 42,7% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Thy Lê 

Từ khóa: ,