Thuế tự vệ giúp Việt Nam tăng cường tự chủ về phân bón

10/3/2021 | Lượt đọc: 55073

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng, với một nước sản xuất nông nghiệp, tự chủ sản xuất được phân bón rất quan trọng và cần được bảo vệ.

+

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh, việc giá phân bón trong đó có DAP tăng là do quy luật khách quan của cung cầu thị trường. Ảnh: Nguyên Huân.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh, việc giá phân bón trong đó có DAP tăng là do quy luật khách quan của cung cầu thị trường. Ảnh: Nguyên Huân.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những thông tin biến động mặt hàng phân bón gần đây, đặc biệt là giá phân DAP, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung cho rằng, giá phân bón tăng hiện nay theo đúng quy luật cung cầu thị trường và là khách quan do thế giới tăng.

Theo ông Hoàng Trung, những tháng gần đây giá cả mọi loại hàng hóa trên thế giới đều tăng sau khi việc khống chế dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan. Trong đó, các mặt hàng như dầu khí, hóa chất, cước vận tải, container tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sản xuất phân bón của thế giới.

Theo Cục trưởng Hoàng Trung, hiện mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 10 - 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khoảng 1 triệu tấn là DAP. Về cơ bản, Việt Nam đã tự chủ được mặt hàng phân bón từ nhiều năm qua, thậm chí năm 2020 còn xuất khẩu trên 1 triệu tấn phân bón các loại.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam lên tới 34 triệu tấn/năm nên sản xuất phân bón trong nước mới đạt sản lượng khoảng 1/3. Do đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định, không có chuyện khan hiếm phân bón dẫn tới ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của nước nhà trong thời gian tới.

Riêng với mặt hàng phân bón DAP, Cục trưởng Hoàng Trung cho rằng, không phải Việt Nam mà với bất cứ quốc gia nào khi một mặt hàng trong nước tự sản xuất được, cơ quan quản lí nhà nước đều cần có những cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng với sản phẩm nhập khẩu.

Bằng chứng, tại việt Nam từ khi có 3 nhà máy sản xuất DAP là Đình Vũ, Lào Cai và Đức Giang đã giúp giá phân DAP duy trì ổn định suốt nhiều năm qua. Ngay ở thời điểm hiện tại, giá DAP sản xuất trong nước cũng đang có giá bán thấp hơn DAP nhập khẩu từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Từ đó cho thấy vai trò đối trọng, điều tiết quan trọng của các nhà máy DAP trong nước với DAP nhập khẩu.

“Một mặt hàng phân bón quan trọng mà chúng ta tự sản xuất được như DAP, giá lại thấp hơn giá nhập khẩu, chất lượng đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành, không có lí do gì chúng ta không ủng hộ. Bởi các doanh nghiệp này phát triển sẽ giúp ngành nông nghiệp và nông dân được hưởng một thị trường phân bón ổn định mang tính lâu dài và bền vững, tránh việc bị phụ thuộc vào nước khác”. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, ngay khi giá mặt hàng DAP tăng mạnh, Cục đã liên hệ với các nhà máy sản xuất DAP trong nước đề nghị hạn chế tối đa xuất khẩu để ưu tiên tối đa thị trường trong nước để cân bằng ổn định.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng có những khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân sử hiệu phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn, bởi thực tế hiệu suất sử dụng phân bón của Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt 50 - 60% dẫn tới lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Trước việc giá mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu về Việt Nam lên tới 15.000 - 16.000 đồngkg, một số doanh nghiệp nhập khẩu DAP đã có đơn kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng đề nghị tạm bỏ thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng DAP.

Bộ Công thương sau khi tiến hành rà soát, đánh giá và tham vấn các đơn vị liên quan đã ra thông báo cho rằng, việc áp thuế tự vệ đã được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, cũng như đánh giá ảnh hưởng tới các bên liên quan, bên cạnh đó giá phân DAP tăng do yếu tố khách quan thế giới tăng, hơn nữa pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Từ khóa: ,