Giá phân bón thế giới tăng, nguồn cung và giá cả trong nước vẫn “trong tầm kiểm soát”

21/6/2024 | Lượt đọc: 179768

(BKTO) - Hiện giá phân ure trong nước đang có diễn biến tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên tại thị trường trong nước, với nguồn cung ổn định, giá cả loại phân bón chủ đạo này vẫn “trong tầm kiểm soát” và hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân.

+


Giá ure diễn biến trái chiều trên thị trường thế giới

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Fetercon, với ure, hiện giao dịch bị hạn chế bởi các nhiều nước vẫn trong kỳ nghỉ lễ cả tuần qua, nhưng việc thiếu nhu cầu đã gây áp lực lên giá ở một số thị trường, trong khi những thị trường khác có nhu cầu mua ngay lại phải trả giá cao hơn.

Các giao dịch mua vào của Mexico và Australia từ Trung Đông tuần này là 375-385 USD/tấn FOB, trong đó Australia vẫn là thị trường trả giá cao hơn ở Đông Suez, với nhu cầu ổn định nhưng có phần chậm lại. Thị trường Đông Nam Á trầm lắng vì nghỉ lễ. Một lần nữa không có hoạt động kinh doanh mới nào được ký kết từ các nhà sản xuất Bắc Phi, trong khi các nhà cung cấp đang chờ đợi mức giá trên 400 USD/tấn FOB. Nhu cầu nhập khẩu của Châu Âu, trừ Ukraine, vẫn yếu. Ure hạt đục Biển Đen giảm xuống còn 375-390 USD/tấn FOB, phản ánh giá chào bán và thương vụ bán đi thị trường khu vực thấp hơn. Shiraz, Iran bán 30.000 tấn urea hạt đục với giá 352 USD/tấn FOB, giao hàng đầu tháng 4.

Ở Tây Suez, giá urea tại Brazil lùi về mức 380-395 USD/tấn CFR, do giá chào bán và chào mua thấp hơn. Nhưng giá urea tại Nola, Mỹ tăng lên mức 353-360 USD/tấn FOB Nola.

Cũng theo Fetercon, giá ure trong quý I/2024 đang trong xu hướng tăng giá tại nhiều thị trường quan trọng do nguồn cung thắt chặt. Tại châu Á, nguồn cung thắt chặt ở Đông Nam Á đã đẩy giá ure hiện nay lên 390 - 400 USD/tấn FOB, tăng 10 USD/tấn ở cả hai đầu so với tuần trước.

Tại Indonesia, nhà sản xuất phân ure lớn PIHC vẫn chưa được cấp giấy phép thông quan xuất khẩu. Tuy nhiên, Fetercon cũng cho thấy, trong thời gian tới, Indonesia có thể sắp quay lại thị trường xuất khẩu loại phân bón này do thông tin ông Prabowo Subianto dường như sẽ lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử ở Indonesia vào ngày 14/2, báo hiệu khả năng nối lại các đợt thầu xuất khẩu urea được chính phủ cấp phép trong ngắn hạn

Trong khi đó, nguồn cung ure từ Malaysia vẫn bị hạn chế, với việc Petronas bắt đầu bảo dưỡng theo kế hoạch tại Nhà máy ure hạt đục Ure Gurun công suất 700.000 tấn/năm Petronas từ ngày 1/2 và kéo dài trong 45 - 60 ngày.

Tại Nhật Bản, nhà sản xuất ure Nissan Chemicals đang nỗ lực để khởi động lại hoạt động vốn đã bị đình chỉ sau khi nhà máy moniac Toyama bị hư hại một phần sau trận động đất ở Bán đảo Noto vào ngày 1/1/2024.


dam-ca-mau-2.jpg

Cảng xuất hàng của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Duyên


Theo Công ty nghiên cứu thị trường Argus, giá ure tại Trung Quốc, một trong những nước có công suất sản xuất ure lớn nhất thế giới đã tăng tại Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Giang Tô do lượng mua tăng để dự trữ mùa đông và giá ure quốc tế tăng.

Thị trường ure thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ hơn từ các thị trường chính. Các đơn hàng mới từ Ai Cập tăng lên nhưng các nhà sản xuất Ai Cập đang hướng đến mục tiêu 415 USD/tấn FOB cho giao dịch mới tiếp theo, thậm chí một số nhà cung cấp còn rút lui khỏi thị trường, chờ đợi diễn biến giá tiếp theo. Hiện giá ure xuất khẩu từ Ai Cập đã tăng lên 410 USD/tấn FOB nhưng các nhà cung cấp không muốn chốt ở mức giá thấp hơn.

Tại châu Phi, các nhà sản xuất Algeria cam kết bán đủ hàng trong tháng Hai nhưng điều chỉnh tăng giá chào bán. Hiện các nhà sản xuất nhắm đến mục tiêu 400 - 420 USD/tấn FOB tùy thuộc vào điểm đến xuất khẩu, mặc dù nhiều nhà sản xuất chưa muốn bán dưới giá 400 USD/tấn FOB.

Tại Mỹ, giá ure cũng đang tăng lên cho dù giao dịch vụ Xuân vẫn chưa bắt đầu hoàn toàn nhưng giá ure giao bằng sà lan tại cảng Nola cho tháng Hai này và tháng Ba tới đang chốt ở mức 360 USD/tấn FOB.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Argus, nhu cầu phân ure ở Mỹ, Châu Âu, Australia và Đông Nam Á đang tăng lên trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt chính là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến giá ure đã tăng. Đáng chú ý, vụ cháy kho dự trữ phân bón tại cảng Kwinana ở Tây Australia vào ngày 8/12 vừa qua đang ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón trên thị trường.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, nước nhập khẩu phân bón ure lớn của thế giới đang chuẩn bị mở thầu mua mới từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn vào cuối tháng hai này và cũng có kế hoạch mở thầu mua tiếp một đợt khác sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ giá của loại phân bón dẫn dắt thị trường này trong quý 1/2024.

Các thành viên thị trường ở Mỹ cho rằng, đợt thầu tới của Ấn Độ có thể gây thêm áp lực lên giá ure và giá giao ngay có thể tiếp tục tăng do nước này có thể sẽ hấp thụ hết nguồn cung cho khu vực Tây bán cầu và tình trạng thắt chặt ở châu Á sẽ tiếp tục tồn tại.

Tuy nhiên Argus cũng dự báo, sự trở lại thị trường xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian tới có thể sẽ khiến giá ure hạ nhiệt khi bước sang quý II/2024.

Nguồn cung và giá cả ure nội địa vẫn trong tầm kiểm soát

Phân tích về thị trường ure trong nước đầu năm 2024, TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, giá nông sản xuất khẩu đang được giá, nhất là gạo xuất khẩu nên nhu cầu mua phân bón để ở rộng sản xuất cũng tăng theo. Đây là điểm khác biệt so với cùng kỳ năm 2023, nhiều tỉnh thành có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bón phân cầm chừng do giá nông sản rớt mạnh.

Số liệu dự báo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy: năm 2024 này, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê...

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất ure trong nước đang bị tăng lên do giá khí-nguyên liệu đầu vào để sản xuất ure của hai nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau tăng. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển phân bón và nguyên liệu đầu vào. Cùng với đặc điểm thị trường phân bón trong nước liên thông mật thiết với thị trường quốc tế, các yếu tố này đã khiến giá ure trong nước tăng lên.

Hiện giá phân ure từ Việt Nam của Công ty cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC-phân bón Cà Mau) giao hàng tháng Hai đi Mỹ Latinh ở mức 390 - 400 USD/tấn FOB. Theo Argus, giá ure tại Việt Nam tăng trong những tuần gần đây do nhiều nhà sản xuất lớn chuyển sang xuất khẩu lượng lớn, khiến nguồn cung trong nước thắt chặt.

Hiện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo-phân bón Phú Mỹ) đã tạm dừng xuất khẩu để tập trung vào thị trường nội địa với nhu cầu tăng lên trong tháng Ba và tháng Tư khi vào chính vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, TS. Phùng Hà cho biết, với nguồn cung ure ổn định từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam hiện nay là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp cao điểm vụ Đông Xuân sẽ được đáp ứng hoàn toàn và giá phân bón có thể biến động theo giá thế giới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
 

dam-ha-bac.jpg

Dây chuyền đóng bao ure của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: Nguyễn Duyên 


Ngoài ra, cả 4 doanh nghiệp nhà nước sản xuất phân đạm ure chủ lực của Việt Nam đều triệt để áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh từ áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, linh hoạt chính sách bán hàng và phân phối để đảm bảo giá bán phân bón đến với nông dân tốt nhất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu giá rẻ.


ts-phung-ha.jpg
TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Từ khóa: , , ,