Không chỉ nông dân, doanh nghiệp phân bón cũng báo tin vui với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
17/9/2024 | Lượt đọc: 165
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp không chỉ giúp nông dân canh tác hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà chính doanh nghiệp phân bón cũng đón nhận tin vui.
Nhu cầu phân bón tăng cao
Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra tại TP.HCM sáng 6/9, ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II, cho biết Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp không chỉ giúp nông dân canh tác hiệu quả mà chính doanh nghiệp phân bón cũng đón nhận tin vui.
Theo ông Phong, doanh nghiệp có sản phẩm phân bón lúa xanh chắc hạt được Bộ NNPTNT chọn để triển khai cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Phân bón Bình Điền II ghi nhận nhu cầu phân bón tăng cao trong các tháng qua. Ảnh: Bình Điền II
Sản phẩm này giúp nông dân giảm lần bón và lượng bón so với các loại phân bón thông thường. Chẳng hạn, hiện nay, bà con nông dân sử dụng đạm nguyên chất khoảng 120N cho lúa. Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NNPTNT khuyến cáo bón đạm nguyên chất ở mức 80N.
"Trong khi sản phẩm của chúng tôi mức độ đạm nguyên chất giảm 20-30% so với chương trình. Mô hình ở Kiên Giang thể hiện khá tốt, mới bỏ 1 lần lúa xanh tốt. Phân bón giảm đạm N giúp giảm phát thải. Hiện, chúng tôi làm đều với các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp…", ông Phong nói và cho biết sản phẩm tạo hiệu ứng tốt, khiến nhu cầu của nông dân tăng cao hơn.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội nghị sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vừa diễn ra tại Sóc Trăng, Cục Trồng trọt cho biết mô hình thí điểm tại Cần Thơ đã thu hoạch xong, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình là 7 tạ/ha.
Về lợi nhuận, tại Cần Thơ, tổng chi phí sản xuất lúa diện tích áp dụng trong mô hình cao hơn so với chi phí ngoài mô hình là 5% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình đến 20%.
Tìm cơ hội giữa thị trường khó khăn
Về tình hình kinh doanh năm 2024, Chủ tịch HĐQT Phân bón Bình Điền II Lê Quốc Phong dự báo còn nhiều thách thức do chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa chấm dứt.
Thị trường phân bón ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân không tăng trong năm 2024 và tình hình kinh doanh sẽ rất khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào của phân bón biến động mạnh không ổn định về giá cả.
Ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT Phân bón Bình Điền II, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 6/9. Ảnh: Phúc Minh
Ngoài ra, tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng canh tác và năng suất cây trồng, điều này tác động đến nhu cầu sử dụng phân bón.
Dù vậy, ông Lê Quốc Phong cho rằng công ty vẫn có cơ hội do thương hiệu Phân bón 2 Phong đã khẳng định được uy tín, chất lượng. Giá nông sản tăng cao cũng là cơ hội lớn cho ngành.
Một số cơ hội khác được ông Phong xác định là sản lượng phân bón các loại xuất khẩu qua thị trường Campuchia cũng đang ngày càng tăng cao. Giai đoạn khó khăn cũng là cơ hội tốt để sàng lọc thị trường, nhiều nhà máy sản xuất phân bón nhỏ lẻ đang thu hẹp sản xuất thậm chí phá sản.
Do đó, Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II mạnh dạn đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ NPK và các loại phân đơn đều tăng so với năm 2023. Theo đó, sản lượng tiêu thụ NPK kế hoạch năm 2024 là 69.960 tấn (tăng 44%), phân đơn các loại là 20.000 tấn (tăng 14%).
Bình Điền II đặt mục tiêu doanh thu bán hàng mục tiêu năm 2024 đạt 1.210 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 19 tỷ đồng, tăng 47% so với kết quả đạt được năm 2023.
Phúc Minh
Từ khóa: -,