"Một quy định hình thức "dạy" doanh nghiệp nói dối, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng"

25/2/2025 | Lượt đọc: 112

Theo TS.Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã tồn tại gần 20 năm nay rất hình thức, chỉ khiến người dân và doanh nghiệp nói dối và gây ra tình trạng lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

+


"Một quy định hình thức "dạy" doanh nghiệp nói dối, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng"- Ảnh 1.

Trao đổi tại hội thảo khoa học "Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường", các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp cho rằng: Quy định phải công bố hợp quy sản phẩm quá hình thức, chồng chéo trong quản lý và phát sinh những tốn kém, tiêu cực không đáng có. Ảnh: TQ

Quy định dạy người dân, doanh nghiệp nói dối, luồn lách

Chia sẻ tại hội thảo khoa học "Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường"ngày 24/2,   TS.Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Nhà nước yêu cầu hàng hóa nhóm 2 phải có quy chuẩn kỹ thuật để quản lý là hoàn toàn cần thiết và nước nào cũng phải làm nhưng không có nước nào quy định sản phẩm, hàng hóa phải công bố hợp quy như Việt Nam hiện nay.

Quy định phải công bố hợp quy sản phẩm quá hình thức, chồng chéo trong quản lý và phát sinh những tốn kém, tiêu cực không đáng có. 

Cụ thể, muốn công bố hợp quy sản phẩm, cơ quan chuyên môn phải đến đánh giá nhà xưởng, lấy mẫu kiểm tra, thử nghiệm mất 3 - 5 triệu đồng/sản phẩm và hoàn tất các thủ tục công bố hợp quy sản phẩm gửi đến cơ quan chức năng tiếp nhận.

Thông thường toàn bộ quy trình này nếu làm đúng phải mất 15 - 30 ngày/sản phẩm. Nhưng chúng ta lấy gì để đảm bảo rằng những lô sản phẩm sau doanh nghiệp phải làm hoàn toàn như vậy, vì họ phải tùy theo điều kiện cụ thể để lựa chọn các loại nguyên liệu phù hợp, miễn là sản phẩm đầu ra của họ không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật của nhà nước ban hành.

Mặt khác về thời gian và quy trình đánh giá công bố hợp quy theo quy định hiện nay đối với sản phẩm trong nước là theo phương thức 5 và sản phẩm nhập khẩu là theo phương thức 7. 

Theo phương thức 5 thì cơ quan đánh giá hoặc doanh nghiệp tự đánh giá phải tiến hành đánh giá điều kiện cơ sở nhà xưởng, quy trình sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm tốn từ 15 - 30 ngày/sản phẩm. Một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y quy mô trung bình có 300 - 500 sản phẩm phải làm đến bao giờ mới xong và phải tốn tiền tỷ.

"Trước đây là Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nhiều doanh nghiệp thường hay nói dối tôi rồi cười xòa cho xong chuyện. Chúng ta toàn nói dối, tặc lưỡi với nhau vài ba triệu đồng để lo cho xong quy định nhưng đến khi sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm ra thị trường không đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng khiến người dân tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nhất", ông Dương khẳng định.

Cũng theo ông Dương, theo quy định công bố hợp quy sản phẩm, 100% các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy, có nghĩa là phải thực hiện tiền kiểm, trái với chủ trương của nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chính quy định này đã gây khó khăn cho hoạt động logictis và áp dụng thương mại điện tử làm phát sinh chi phí, thời gian và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

"Không nước nào làm như vậy. Ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thôngthường cũng chỉ áp dụng theo phương thức sác xuất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu", Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói thêm.

"Một quy định hình thức "dạy" doanh nghiệp nói dối, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng"- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón của Công ty cổ phần thương mại phân bón Nam Dương có địa chỉ tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ - VINA, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, tỉnh Long An đi giám định. Ảnh: CA

Cần bỏ quy định công bố hợp quy

Dẫn chứng thực tế về các bất cập của quy định công bố hợp quy, TS.Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, mới đây, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ, đường dây sản xuất phân bón giả bán ra rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với quy mô lớn đến đặc biệt lớn. Trong quá trình điều tra, xác minh, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất hàng giả đều có công bố hợp quy theo đúng quy định.

"Điều nguy hiểm là sau khi luồn lách chạy được công bố hợp quy, các đối tượng này đã sản xuất ra sản phẩm phân bón kém chất lượng. Đơn cử như khi sản xuất phân bón NPK, do giá nguyên liệu tăng cao và khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài, để giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh giá bán trên thị trường và tăng thêm lợi nhuận, các đối tượng, cơ sở công bố công thức phân bón một đằng nhưng lại sản xuất một nẻo. 

Họ sẵn sàng bỏ bớt, thậm chí là không đưa nguyên liệu Nito hoặc Kali vào sản xuất tạo ra sản phẩm kém chất lượng khiến người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại khi mua dùng phải mặt hàng này", ông Ngọc nêu thêm và cho rằng: Quy định công bố hợp quy không chỉ gây phiền hà, tăng chi phí cho các doanh nghiệp chân chính mà còn vô hình tiếp tay cho nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng gây hại cho người dân và ngành nông nghiệp của nước ta.

Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và kinh doanh thú y cho biết, thuốc thú y là sản phẩm sản xuất có điều kiện đặc thù, phải có nhà máy, phòng kiểm nghiệm, kho bảo quản đạt các tiêu chuẩn quốc tế, nên việc phải chịu quản lý theo các quy định hợp chuẩn, hợp quy trong nước sẽ khiến các quy định chồng chéo.

"Quy định công bố hợp quy hiện nay như kiểu một người đã đi học và có bằng đại học, được công nhận và cấp bằng tiến sỹ, giáo sư rồi nhưng phải quay về học lại lớp 1. Đây là quy định rất bất hợp lý cần phải bãi bỏ ngay", bà Hương kiến nghị.

Để góp phần giảm khó khăn, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh cho ngành chăn nuôi và kinh tế đất nước, các đại biểu, đại diện các doánh nghiệp tham dự hội thảo đề nghị Quốc hội cho bỏ quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa. 

Trong đó có lĩnh vực chăn nuôi, thú y trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở để sửa đổi các luật chuyên ngành có liên quan. 

Tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Huy - Ủy Viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án phù hợp giúp các đơn vị, doanh nghiệp tháo gỡ được các khó khăn trong công bố hợp quy.

"Một quy định hình thức "dạy" doanh nghiệp nói dối, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng"- Ảnh 3.

Ông Lê Quang Huy - Ủy Viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội trao đổi với các đại biểu tại hội thảo khoa học "Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường"ngày 24/2. Ảnh: TQ

"Hiện nay, có 3 phương án được đưa ra: Thứ nhất là nên bỏ hoàn toàn quy định công bố hợp quy. Thứ 2 là nên giữ lại công bố hợp quy. Thứ 3 là vẫn giữ thủ tục công bố hợp quy nhưng có điều chỉnh một số vấn đề có liên quan, bất cập trong quy định. 

Thông qua ý kiến, góp ý của các đại biểu tại hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ củng cố thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan nhằm tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025", ông Huy khẳng định.
                                                                                                                                                           Trần Quang

Từ khóa: ,