Giá phân bón tăng cao và giải pháp nào hỗ trợ người nông dân?

22/7/2022 | Lượt đọc: 12910

Giá phân bón tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay khiến người nông dân rơi vào khó khăn. Vậy giải pháp nào hỗ trợ bà con nông dân trong bối cảnh này?

+

Giá phân bón tăng, giá nông sản giảm

Một nghịch lý là từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thế giới và cả trong nước đều tăng. Nhưng giá nông sản lại không tăng theo biên độ giá phân bón, thậm chí có nơi giá nông sản còn xuống thấp do gặp khó khăn về xuất khẩu. Chính vì thế, trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có mức lợi nhuận cao thì bà con nông dân lại đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng bỏ ruộng khi giá vật tư đầu vào tăng quá cao.

Giá phân bón tăng cao và giải pháp nào hỗ trợ người nông dân?

Ông Nguyễn Văn Nam - người nông dân trồng ổi ở xã Tân Việt - huyện Thanh Hà - Hải Dương cho biết: Những năm trước, với 5 mẫu ổi, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 130 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây, giá phân bón các loại đã tăng lên hơn gấp đôi, trong khi giá ổi bán ra vẫn không hề tăng. Thậm chí thời điểm tháng 7 – tháng 8 năm 2021, rất nhiều hộ gia đình trồng ổi tại huyện Thanh Hà (trong đó có gia đình ông) đã phải lên tiếng nhờ “giải cứu” vì ổi rớt giá còn 1.000đ/kg! Giá ổi quá rẻ nên nhiều gia đình còn không đi thu hái, chăm sóc, thậm chí còn chặt cây đi vì trừ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm bón là lỗ vốn!

Trên cả nước, tình trạng người nông dân bỏ ruộng do giá phân bón tăng cao ngày càng nhiều. Mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết hiện Long An có hàng ngàn hecta giảm trong vụ hè thu là do người dân bỏ lúa. Vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của "bão giá", đặc biệt là phân bón vật tư nông nghiệp nên nông dân Long An đã giảm diện tích trồng lúa hơn 4.000ha. So với cùng kỳ 2021 thì diện tích lúa tại Long An giảm. Nguyên nhân chính do người dân trồng lúa không có lợi nhuận (nhất là người trồng lúa thuê) đã trả đất cho chủ ruộng.

Như vậy, có thể thấy đang có sự “lệch pha” giữa giá vật tư đầu vào và giá nông sản đầu ra. Điều này đặt ra các cơ quan quản lý, điều hành chính sách cần có những giải pháp gì để cân bằng và phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân?

Giá phân bón vận hành theo cơ chế thị trường

Thực tế, hiện giá phân bón trong nước của Việt Nam tương đương với mặt bằng chung giá phân bón trên thị trường thế giới. Giá phân bón tăng cao gần 2 năm trở lại đây phần lớn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đại dịch Covid 19 và cuộc xung đột Nga - Ucraina càng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy và tăng phi mã.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, việc các phân bón trong nước giảm giá bán sản phẩm thấp hơn hẳn giá thị trường thế giới để chia sẻ gánh nặng cho bà con nông dân là khó khả thi. Vì bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại không có thẩm quyền giảm thấp hơn giá bán ngoài thị trường nếu không có chỉ đạo từ cơ quan chủ quản cũng như lý do chính đáng mang tính pháp lý rõ ràng.

Bởi nếu doanh nghiệp bán phân bón thấp hơn giá thị trường, sau này khi kiểm toán, thanh tra vào cuộc, việc chứng minh sẽ rất khó. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Thậm chí, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị quy trách nhiệm móc nối với đại lý bán giá thấp để ăn chênh lệch ngoài hợp đồng làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng chia sẻ: Thực tế, hiện các đơn vị sản xuất phân bón trong nước đều phải mua nguyên liệu đầu vào và giá than, giá khí (than và khí chiếm tới 70% giá thành sản xuất phân urê) theo giá thị trường, không có bất kỳ một sự trợ giá nào. Như vậy, trong bối cảnh giá tất cả các nguyên liệu đều tăng, việc đầu ra sản phẩm phân bón nếu không vận hành theo giá thị trường trong nước và thế giới là rất khó cho doanh nghiệp.

Cần hỗ trợ nông dân bằng chính sách

Theo tìm hiểu từ các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước, hiện các doanh nghiệp này cũng chỉ có thể lựa chọn cách hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình khuyến mại, tri ân, tặng quà, bán phân bón trả chậm chứ không thể giảm giá bán sản phẩm đi ngược với quy luật thị trường. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình, Bình Điền, Supe Lâm Thao,... cũng đều đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân như vậy.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) cho biết: Chia sẻ gánh nặng với bà con nông dân, Supe Lâm Thao đã thực hiện một số giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thứ nhất là công ty thực hiện hỗ trợ nông dân bằng cách bán chậm trả cho bà con nông dân trên khắp cả nước. 6 tháng đầu năm, Supe Lâm Thao đã bán trả chậm gần 40 ngàn tấn phân bón (tương đương gần 240 tỷ đồng) cho bà con nông dân trên khắp cả nước. Số hàng bán chậm trả này có thể sau 4-6 tháng mới thu hồi lại được vốn. Trong khi hàng tuần, hàng tháng, công ty phải nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Và tiền trả cho nguyên liệu đầu vào thì không được chậm một ngày – ông Hồng cho biết. Chính vì thế, doanh nghiệp phải “xoay xở” tối đa, vay vốn ngân hàng để nhập nguyên liệu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao.

Bên cạnh đó, công ty cũng tiết giảm tối đa chi phí sản xuất giúp hạ giá tối đa giá thành sản phẩm, để giá bán phân bón đến tay bà con nông dân hợp lý nhất. Vì nếu giá tăng cao quá - bà con nông dân cũng không chịu nổi!

Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, họ sẽ chọn cách hỗ trợ nông dân thông qua các chính sách trợ giá thu mua nông sản hoặc trợ giá vật tư đầu vào. Tất nhiên, việc trợ giá không được đi ngược các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, các FTA.

Cụ thể, ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: tại Liên minh châu Âu có Chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP, Common Agricultural Policy) từ năm 1962. Đây có thể coi là một chính sách điển hình về quản lý, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thực hiện ở cấp độ khu vực với nguồn lực từ ngân sách của EU. CAP hỗ trợ thu nhập thông qua chi trả trực tiếp để đảm bảo thu nhập ổn định và bù đắp cho những người nông dân có biện pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Hình thức hỗ trợ

Kinh phí (tỷ euro)

Hỗ trợ thu nhập

41,43

Các biện pháp thị trường

2,37

Phát triển nông thôn

14,18

Tổng số

57,98

Bảng hỗ trợ của EU cho nông dân năm 2019 Nguồn: CAP Financing, https://ec.europa.eu, 2021

Tại Thái Lan, Nhà nước hỗ trợ đặc biệt cho người nông dân bằng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ. Một ví dụ cụ thể tại vùng Đông Bắc Thái Lan, người nông dân sẽ được hỗ trợ từ mua giống, kỹ thuật gieo trồng cho đến tiếp thị đầu ra để giảm hàm lượng thuốc từ sâu trên lúa. Ngân sách cho chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ là khoảng 2000 Bath/0,16 ha đất trong năm đầu tiên; 3000 Bath/0,16 ha đất trong năm thứ hai và 4000 Bath/0,16 ha trong năm thứ ba. Chính phủ quy hoạch trên toàn quốc 8 làng nông nghiệp hữu cơ, mỗi làng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng…

Tại Trung Quốc, vào tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính nước này đã quyết định chi 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,16 tỷ USD) dùng để chi trợ cấp cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lương thực. Số tiền này dùng để chi trợ cấp một lần cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lương thực, nhằm giảm tác động bởi gánh nặng tăng giá thành sản xuất lương thực do giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng cao.

Như vậy có thể thấy, một số khu vực và các nước cũng đều có những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân. Đây cũng là một trong những gợi ý để các nhà làm chính sách trong nước tham khảo kinh nghiệm để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh khó khăn do giá phân bón tăng cao như hiện nay.

Nguyễn Duyên

Từ khóa: ,