Nhà phân phối Như Linh nói về vấn nạn 'lân đen' ở Tây Nguyên

13/3/2023 | Lượt đọc: 74195

"Lân đen" làm giàu người bán nhưng làm nghèo nông dân và cản trở việc đưa những sản phẩm chân chính vào sản xuất. Vì vậy cần chung tay đẩy lùi vấn nạn này…

+

Anh Phan Đình Quý-Công ty TNHH Như Linh (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vốn có nghề làm vận tải cha truyền con nối. Cách đây hơn 40 năm, bố anh đã là chủ doanh nghiệp có 6 ô tô chở hàng, sau giải phóng ông đem góp vào công tư hợp doanh, con cái trở thành công nhân xí nghiệp. Thời cơ chế thị trường mở ra, anh tiếp quản 3 ô tô của bố, đi chở hàng thuê nhưng bữa có bữa không nên chuyển hướng sang buôn bán gạo, phân bón để chủ động hàng đi, hàng về. Lúc đầu anh chuyên chở nông sản từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh, rồi chở gạo, phân bón về. Làm ăn tấn tới, 23 năm trước anh cùng vợ thành lập công ty lấy tên hai đứa con đầu Như, Linh ghép lại.

Cái duyên của anh với Supe Lâm Thao là bởi một số nông dân gốc Bắc tới hỏi mua phân bón, lúc ấy hàng mới chỉ là những bao màu đen, buộc túm miệng bằng dây nylon, chưa may chỉ, mỗi lần lấy nhỏ lẻ 1-2 tấn. Sau đó anh mua hàng qua một đại lý, đến khi sản lượng tăng thì mong muốn trở thành đại lý chính thức nên đã gửi một bức thư: “Hồi đó gặp Giám đốc của Lâm Thao khó lắm, tôi mới gửi cho trợ lý của ông Giám đốc (thời của ông Nguyễn Quốc Tuấn) một bức thư đánh máy, trong đó viết: “Nông dân trong Nam có một số người ngoài Bắc di cư vào, rất thích phân supe lân của Lâm Thao. Em là người kinh doanh phân bón ở trong đó, muốn xin được làm đại lý để mua hàng”. Giám đốc Lâm Thao nhận được mới cho cán bộ văn phòng gọi ra để gặp. Vậy là tôi đi ra Bắc trên chiếc xe tải chở bột dong giềng xuống Nam Định rồi mới đi ngược lên Lâm Thao. Sau đó thì tôi trở thành đại lý cấp một của Lâm Thao, hồi đầu sản lượng khoảng 5.000-7.000 tấn/năm.

Anh Phan Đình Quý-Công ty TNHH Như Linh (bên phải) cùng với các cán bộ Supe Lâm Thao bên ruộng khoai lang giống chất lượng cao của mình, cung ứng cho nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phan Đình Quý-Công ty TNHH Như Linh (bên phải) cùng với các cán bộ Supe Lâm Thao bên ruộng khoai lang giống chất lượng cao của mình, cung ứng cho nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lâm Thao trước đây còn quan liêu lắm, tôi là người tâm huyết với công ty mà khi đề xuất phải qua 7-8 tầng lớp mới tới được nơi. Ví dụ tôi thấy có hàng giả đề nghị cho người đi bắt để dẹp loạn nhưng Lâm Thao không nghe. Tôi kêu quản lý thị trường đi bắt hàng giả để cho Lâm Thao có tiếng, khi bán hàng có cộng thêm ít chi phí vào giá thì một đơn vị khác đem sản phẩm lên bán mất hết phần, quả thực “uổng công xúc tép nuôi cò”. Giờ thì cơ chế quan liêu của Lâm Thao đã bớt rất nhiều rồi tôi khi bán hàng tôi phải ráng hết mình để làm sao cho Lâm Thao có tiếng tăm, ai cũng đòi mua.

Đại lý cấp một như tôi luôn có suy nghĩ rằng mình làm tốt thì xã hội được nhờ nhưng đại lý cấp hai nhiều người chỉ quan tâm đến lợi nhuận là chính. Một người quen của tôi vừa là đại lý vừa làm vườn rất giỏi nhưng mua phân Lâm Thao chỉ cất ở trong nhà, ai biết mà đòi mới đưa ra, còn ở ngoài hàng chỉ bán “lân đen” thôi. Bán “lân đen” được lời 10 đồng thì bán lân Lâm Thao chắc chỉ được lời cỡ 5 cắc nên họ bất chấp.

Giờ càng ngày nông dân càng khôn ra, dùng phân Lâm Thao thấy hiệu quả rõ ràng nên mua “lân đen” chỉ có hai đối tượng. Thứ nhất là thiếu hiểu biết, người bán nói gì là nghe thế đấy. Thứ hai là có hiểu biết sơ sơ nhưng không có tiền, phải mua thiếu nên người bán đưa cái gì cũng phải bấm bụng nghe. Mà những nhà sản xuất “lân đen” cũng rất “cáo”, thường cho chất tăng trưởng vào, bón xuống cái cây thấy xanh ngay nhưng vài ngày là không còn tác dụng nữa. Tuy nhiên nông dân không biết, cứ nghĩ bỏ phân vô thấy xanh là tốt.

Một kho hàng của Công ty TNHH Như Linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một kho hàng của Công ty TNHH Như Linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Số không hiểu biết mua “lân đen”, hoặc có hiểu biết sơ sơ nhưng mua thiếu nên bị đưa “lân đen” chiếm khoảng 60%, còn lại là dùng lân hữu hiệu, supe của Lâm Thao, Long Thành, nung chảy của Văn Điển, Ninh Bình. Những công ty đó có lân hữu hiệu hàm lượng từ 15-17%, cây trồng rất dễ hấp thu được. Còn “lân đen” hàm lượng lân hữu hiệu chỉ 1% hoặc chưa tới, ngoài ra là chất trung lượng hay can xi gì đó nên giá thành rất rẻ. Do nông dân chưa hiểu biết nên nghĩ lân nào cũng là lân nên cứ dùng.

Nếu tôi là ông Tổng Giám đốc của Lâm Thao thì sẽ làm việc với các nhà sản xuất lân thiệt gồm supe Lâm Thao, Long Thành, lân nung chảy Văn Điển, Ninh Bình trong đó có 4 công ty thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam, họp lại làm một cái quỹ để đi tuyên truyền cho thật nhiều người dân biết thế nào là lân thiệt, thế nào là “lân đen” hàm lượng thấp mà Báo Nông nghiệp trước từng viết là “phân bón nửa dơi nửa chuột”. Không được dùng từ lân để lập lờ đánh lận con đen nữa. Những loại “lân đen” đó không phải là hàng giả, nhà sản xuất đã lách luật nên quản lý thị trường khó bắt được.

Phải làm sao cho nông dân hiểu để khi ra đại lý cấp hai họ chỉ mua loại lân thiệt mà thôi. Rồi khi bán, nhà máy sản xuất lân thiệt phải cho hoa hồng cấp hai nhích lên một tí. Các loại phân khác cũng tương tự như thế…Tôi có nhiều tham vọng lắm. Tham vọng ở đây không phải là tham tiền mà là đam mê. Tây Nguyên có nhiều loại cây trồng có giá trị, tôi mong muốn Lâm Thao sắp tới làm ra những sản phẩm chất lượng ngang với sản phẩm tiên tiến trên Thế giới như “phân tím” của Đức mà tôi đang phân phối vậy...” 

Hiện Công ty TNHH Như Linh đang sản xuất 5 ha giống khoai lang mới, chất lượng cao để cung cấp cho bà con nông dân, sau đó hợp tác với một công ty để thu mua lại, chế biến tạo thành một vòng tròn khép kín. Ở trong mô hình này các loại phân bón của Supe Lâm Thao được sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng.

                                                                                                                                 Dương Đình Tường

Từ khóa: ,