Nông dân phải “3 giảm, 3 tăng” khi giá phân bón tăng “phi mã”

19/10/2021 | Lượt đọc: 14000

Tình trạng giá phân bón liên tiếp tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 của bà con nông dân.

+

Giá phân bón "tăng dựng đứng", nông dân hết lãi

Vụ đông xuân 2021-2022, gia đình ông Vũ Thới (ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) trồng 5 công lúa, tính toán chi phí khiến ông không khỏi giật mình khi chi cho phân bón đã tăng 30% so với vụ đông xuân trước.

“Đại lý liên tục thông tin giá phân bón tăng, riêng phân DAP đã có giá gần 1,2 triệu đồng/bao. Không riêng DAP, các loại phân kali, NPK cũng có mức tăng rất mạnh, nhiều loại đã vượt mức 1 triệu đồng/bao 50kg” – ông Thới chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tám (huyện Gò Công, tỉnh An Giang) xuống giống 7 công lúa trong tâm trạng phấp phỏng khi giá phân bón cứ liên tục “phi mã”: So với tháng 7.2021, giá phân đạm ở khu vực ĐBSCL đã tăng khoảng 300.000-350.000 đồng/bao 50kg.

"Hiện phân đạm Cà Mau và Phú Mỹ có giá 820.000-850.000 đồng/bao trọng lượng 50kg, tăng 70.000-80.000 đồng/bao so với tuần trước. Phân đạm Ninh Bình có giá 810.000-840.000 đồng/bao và  phân đạm Trung Quốc là 820.000-840.000 đồng/bao, lần lượt tăng 70.000-80.000 đồng/bao và 80.000-100.000 đồng/bao so cách đây 1 tuần.  

“Giá phân tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như lợi nhuận của người nông dân. Bởi, riêng với cây lúa, chi phí cho phân chiếm 21-24% giá thành sản xuất” – ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), thông tin.

Trao đổi với PV Lao Động về nguyên nhân giá phân bón tăng liên tục từ đầu năm đến nay, TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết:

"Giá phân bón đã tăng đều từ cuối năm 2020 đến nay do tác động của nhiều yếu tố, bao gồm giá dầu tăng, giá cước vận chuyển tăng, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giá dầu hôm nay đã lên 83 USD/thùng trong khi tháng 12 năm 2020 là 50 USD/thùng dầu Brent. Giá dầu lên kéo theo giá khí tăng, mà khí là để sản xuất ra amoniac và lưu huỳnh là nguyên liệu chính để sản xuất ra ure, DAP và một vài loại phân bón khác. Giá ure, DAP, MAP tăng đã kéo các mặt hàng phân bón khác tăng theo. Tuy nhiên, các mặt hàng phân bón khác tăng ở mức độ thấp hơn so với ure, DAP, MAP” –TS Phùng Hà thông tin.

Đặc biệt, TS Phùng Hà cũng nhấn mạnh, từ ngày 15.10.2021, tình trạng thiếu khí khiến một số nhà máy sản xuất phân bón của Trung Quốc phải đóng cửa hoặc giảm công suất nên Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên cho sử dụng phân bón trong nội địa. 

“Khi Trung Quốc dừng xuất khẩu phân bón đã ảnh hưởng đến một số loại phân bón của Việt Nam như DAP, MAP, SA, còn ure thì Việt Nam có thể sản xuất được. Hơn nữa, công suất thiết kế của 4 nhà máy trong nước gần 2,7 triệu tấn đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước” – TS Phùng Hà nói.

Khắc phục bài toán thiếu phân bón

Về tương lai, để khắc phục tình trạng thiếu phân bón, đặc biệt là phân bón DAP, MAP, các nhà máy DAP trong nước phải tăng công suất để đảm bảo năng lực sản xuất theo thiết kế.

“Việt Nam hiện đang có 3 nhà máy DAP gồm DAP Lào Cai và DAP Hải Phòng với công suất mỗi nhà máy là 330.000 tấn/năm nhưng 2 nhà máy này chưa sản xuất không hết công suất thiết kế. Còn nhà máy DAP Đức Giang có công suất 100.000 tấn/năm cho DAP và MAP. Nhu cầu sử dụng DAP trong nước khoảng 1 triệu tấn/năm, nếu 3 nhà máy này sản xuất hết công suất cũng có thể gần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước"- TS Phùng Hà cho hay.

Cũng theo TS Phùng Hà, về kali, Việt Nam không nhập từ Trung Quốc mà nhập từ một số nước như Nga, Belarus, nên cũng không bị ảnh hưởng. Việt Nam cũng có năng lực sản xuất phân bón chứa lân (bao gồm 2 loại: Super lân và lân nung chảy) đủ đáp ứng cho thị trường.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2021-2022, toàn khu vực tỉnh Nam Bộ gieo sạ 1,6 triệu hecta, tăng 2.000ha so với vụ đông xuân 2019-2020. Vụ đông xuân được coi là vụ lúa quan trọng nhất trong năm đối với cả nước và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước tình hình giá phân bón liên tục tăng như hiện nay, nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL đã hoãn kế hoạch xuống giống vụ lúa đông xuân 2021-2022. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt khuyến nghị việc hoãn thời gian xuống giống có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Cục Trồng trọt khuyến nghị nông dân nên đảm bảo tính thời vụ của cây lúa, đặc biệt là tại ĐBSCL dễ bị ảnh hưởng của hạn mặn.

“Để giảm chi phí đầu vào do giá phân bón tăng, người dân cần áp dụng quy trình canh tác "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm - tăng năng suất lúa,  tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế - PV), trong đó lưu ý giảm lượng giống sạ, bón phân đúng theo quy trình, tận dụng các nguồn phân hữu cơ tại chỗ” – ông Nguyễn Như Cường nêu rõ.

VŨ LONG

Từ khóa: ,