Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thuế giá trị gia tăng đối với phân bón

2/3/2021 | Lượt đọc: 54437

Tại kỳ họp thứ 11 chưa trình Quốc hội khóa XIV xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

+

Theo kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 53 (tháng 2/2021) vừa được ban hành, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.

Do vậy, tại kỳ họp thứ 11 chưa trình Quốc hội khóa XIV xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón và phương án xử lý liên quan đến Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn để chuyển sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Trước đó, tại phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2020, Bộ Công Thương đã khẳng định, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VTA đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Bộ Công Thương đã đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, nếu được áp dụng thuế VAT 5%, nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ trong dài hạn, giá phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.

Thảo luận tại phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên cân nhắc, "đang bối cảnh Đại dịch COVID-19, chúng ta đang giải cứu nông sản cho nên thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón cứ để lùi lại chưa có vấn đề gì, nếu có thì để Quốc hội khóa XV sẽ xem xét giải quyết".

Một số ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm này.

Như vậy, nếu sớm nhất thì đến tháng 7/2021, khi diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, khó khăn liên quan đến thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mới có thể được xem xét.

Về phương án xử lý liên quan đến Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đây là vấn đề từng được một số vị đại biểu đề cập khá gay gắt trên diễn đàn Quốc hội.

Kỳ họp thứ 10, tham gia thảo luận hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, ủy viên Thường trực Ủy ban tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho biết, kỳ họp tháng 10/2016 ông đã nêu vấn đề thiệt hại kinh tế quốc gia khi Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) với Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ưu đãi thuế nhập khẩu. Ủy ban Tài chính - ngân sách đã giám sát chuyên đề này, báo cáo giám sát đã gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng.

Ông Chiểu cho rằng số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia từ dự án này sẽ là rất lớn và cần sớm có câu trả lời là tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

"Về nội dung Nghi Sơn, Chính phủ không đề nghị thì thôi chúng ta không bàn" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói khi kết luận phần thảo luận về kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, tại phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/3/2021. Nội dung kỳ họp này sẽ tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  kết luận sẽ bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3/2021.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tùy tình hình thực tế của từng địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật.

Từ khóa: ,