Về vùng quê không một... tấc đất nông nghiệp

26/7/2011 | Lượt đọc: 54448

Từ lâu xã Ngư Lộc đã có tiếng là một vùng quê nghèo ven biển đất chật người đông. Điều đặc biệt là Ngư Lộc không có một tấc đất nông nghiệp, người dân quanh năm sống bằng nghề đi biển.

+

Nhà nông không đất

Nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 30 km về hướng Đông, Ngư Lộc là xã bãi ngang ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Về Ngư Lộc trong những ngày này, chúng ta mới cảm nhận hết sự ngột ngạt khó chịu khi phải đi giữa một vùng quê với cảnh sống chen chúc.

 

Trẻ em không có chỗ vui chơi giải trí

 

Những con đường bê tông nhỏ luồn lách giữa những dãy nhà san sát không một bóng cây. Những người ở xa đến đây dễ lầm tưởng nơi đây như là một khu dân cư nằm giữa thành phố. Nhà ở đây có diện tích bình quân chỉ từ 8 đến dưới 30m2; nhưng có nhiều gia đình có 2 - 3 thế hệ cùng sống chúng trong những căn nhà chật hẹp.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Mở, thôn Bắc Thọ có 10 người trong đó ông bà, bố mẹ và 6 người con cùng ở trong một căn nhà rộng chừng 20m2; hay như gia đình anh Nguyễn Văn Tuất ở cùng thôn có 12 thành viên nhưng chỉ ở trong căn nhà rộng hơn 10m2, và còn hàng trăm gia đình cũng phải sống trong cảnh chật hẹp như thế…

Theo thống kê, xã Ngư Lộc có diện tích đất tự nhiên chỉ 0,47km2 với 3.079 hộ dân nhưng có tới hơn 18.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 29,3%. Mật độ dân số ở đây vào khoảng 36.000 người/km2.

Đến Ngư Lộc, người ta không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây vốn là một miền quê, nhưng lại không có lấy bất kỳ một m2 đất nông nghiệp nào. Toàn xã hiện có trên 8.000 lao động, trong đó có khoảng 2.000 lao động tham gia lao động sản xuất và làm những nghề liên quan đến biển.

Ngoài ra còn một bộ phận người dân trong độ tuổi lao động nhưng do đặc thù là nghề biển đòi hỏi người có sức khỏe nên tỷ lệ thất nghiệp còn chiếm 12%. Nhiều lao động trong xã không có việc làm phải chọn con đường rời quê hương đi làm thuê khắp nơi.
 
Người dân không có chỗ sinh hoạt nên ngồi cả ra đường làm việc và hóng mát
 
Ông Mở cho biết: “Sống cảnh nhà nông mà không có đất sản xuất khổ lắm, sống dựa vào nghề biển nhưng cũng chỉ là làm những cái nhỏ lẻ thôi chứ chúng tôi lấy đầu ra vốn đầu tư mà làm ăn. Con cái đến tuổi trưởng thành lập gia đình cũng đâu có chỗ mà ở lại phải sống chung với bố mẹ. Thôi thì đến đâu hay đến đó chứ biết làm sao được”.
 
Là một xã thuần ngư với 65% dân số sống phụ thuộc vào nghề biển. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như giá dầu, chuyển giao khoa học công nghệ và tuyên truyền luật biển. Tuy nhiên cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn vất vả.

Đến thời điểm hiện tại Ngư Lộc có khoảng 4.600 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 30% dân số của xã. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm nhiều so với trước.

Người chết sắp hết chỗ chôn

Xã Ngư Lộc có 7 thôn, trong đó thôn Bắc Thọ và thôn Chiến Thắng đông dân nhất, mỗi thôn có khoảng 5.000 nhân khẩu. Mặc dù tỷ lệ sinh con đã giảm, song quỹ đất của xã gần như không còn, từ trước đến nay nghĩa trang của xã được quy hoạch trên đất của xã Đa Lộc, song giờ đây nghĩa trang nơi đây cũng đã kín chỗ.

 

Rác thải của người dân thải khắp bờ biển

 

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc lo lắng: “Lâu nay chúng tôi phải nhờ đất của xã Đa Lộc để chôn cất người chết của địa phương. Giờ đây bên đó cũng đã kín chỗ, chúng tôi đã kiến nghị lên trên nhưng xem ra đây là vấn đề rất nan giải với địa phương chúng tôi”.

Điều khiến chính quyền địa phương lo lắng hiện nay nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày người dân nơi đây thải ra khoảng 1 - 2 tấn rác. Dân số đông, đất đai ít, nhiều gia đình chỉ mong sao có chỗ chui ra chui vào là hạnh phúc lắm chứ có ai nghĩ đến chuyện xây dựng nhà vệ sinh. Tất cả những thứ rác rưởi, hay “nỗi buồn” của người dân nơi đây đều đem ra biển “giải quyết”. Sau những cố gắng và nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay, toàn xã có 60 - 70 % gia đình có nhà vệ sinh.

Đi dọc bờ biển, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng rác thải được rải suốt cả một đoạn dài. Mùi mặn mòi của biển hòa quyện với mùi hôi thối của rác khiến không khí ở đây ô nhiễm rất khó chịu.

 

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc

 

Khổ nhất có lẽ là người già và trẻ em. Tỷ lệ người già của xã ngày càng nhiều, tình trạng trẻ em không có chỗ vui chơi giải trí phải tập trung trên đường hay ra bờ biển chơi rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Ngữ chia sẻ: “Nhân dân địa phương sống chủ yếu dựa vào nghề biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt nhỏ lẻ vì người dân không có vốn đầu tư. Mang tiếng là xã có nhiều cái nhất, nhưng chính điều đó lại khiến chính quyền địa phương đau đầu trong các quyết sách của xã. Người dân địa phương chỉ mong có sự hỗ trợ của cấp trên để mở cho người dân những hướng đi mới”.

Duy Tuyên

Từ khóa: ,