Câu chuyện về phân bón lỏng Ami-Ami
25/7/2011 | Lượt đọc: 188100
GS Mai Văn Quyền Với hiệu quả của phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMI trên đồng ruộng, “tiếng lành đồn xa” khiến nhu cầu AMI-AMI tăng nhanh tại khu khu vực ĐBSCL. Cũng từ đó, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về chất lượng phân bón AMI-AMI cũng như những tác động của nó trên ruộng lúa ĐBSCL.
Trong khi phân bón AMI-AMI “cháy” hàng trên thị trường (báo NNVN đã thông tin trên số báo ngày 6/6/2011) thì thị trường cũng có tin đồn rộ lên chuyện AMI-AMI gây ô nhiễm môi trường kênh rạch do dư lượng tràn ra trong lúc bón phân cũng như sau khi phun tưới. Lại cũng có người cho rằng, trong khi ta cấm Vedan đổ chất thải ra môi trường lại lờ cho Ajinomoto phun “chất lỏng lạ” ra ruộng đồng. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ gặp GS Mai Văn Quyền, nguyên Viện phó Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, người từng theo dõi quá trình khảo nghiệm sản phẩm AMI-AMI. GS Mai Văn Quyền trầm ngâm chia sẻ:
“Trước khi Cty Ajinomoto chính thức vào Việt Nam, trong quá trình đi công tác nước ngoài chúng tôi đã được biết nông dân Thái Lan, Indonesia cũng sử dụng phân bón từ phụ phẩm trên cây trồng cạn, cũng sử dụng các phương tiện của nhà máy phun vào đất (hoặc trước khi làm đất hoặc bón thúc cho cây) kết quả đều rất tốt. Ở Mỹ thì người ta dùng phụ phẩm này chế biến thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả.
Về quan điểm “chất thải”, dưới góc nhìn khoa học chúng tôi cho rằng: Nếu một chất sinh ra sau quá trình SX mà không sử dụng nữa, thì nó thành chất thải. Còn một chất sinh ra sau quá trình SX, nếu sử dụng đúng cách thì nó thành nguyên liệu đầu vào rất hữu ích để SX các loại sản phẩm khác, không phải chất thải. Ví dụ đơn giản nhất như rơm rạ của ta, nếu nông dân không đốt mà để đấy thì nó cũng thối và thành chất thải. Nhưng nếu người ta lấy sử dụng làm nấm rơm hay phân hữu cơ thì nó thành đầu vào của những thứ khác. Hay như bã mía, nếu các nhà máy đẩy bã mía ra môi trường thì nó hôi ghê lắm. Hay nhà máy SX khoai mì (sắn) nếu bã mì mà thải ra thì sinh mùi hôi thối, nhưng nếu dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân thì nó lại thành nguyên liệu đầu vào rất hữu dụng.
Chính vì vậy, năm 1993 khi Ajinomoto đến Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam đặt vấn đề, đưa sản phẩm AMI-AMI ra khảo nghiệm, để trở thành sản phẩm chính thức thì chúng tôi ủng hộ. Chúng tôi bắt đầu khảo nghiệm sản phẩm phân bón này trên nhiều loại cây trồng, trong đó có cả cây lúa.
Sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học với nguồn nguyên liệu chính là mật rỉ đường và tinh bột khoai mì. Sau khi ủ lên men, dịch lên men được tách thành 2 phần: axít amin dùng SX thực phẩm, dược phẩm, axít glutamic để SX bột ngọt và thành phần khác là nước cái. Nước cái chứa nhiều đạm vi sinh và thành phần khoáng vi lượng được trung hòa. Sau khi được điều chỉnh độ đạm, độ pH… cho ra thành phẩm là phân bón hữu cơ sinh học dạng lỏng.
Trước khi khảo nghiệm chúng tôi phải kiểm tra xem trong đó có gì độc hại môi trường không đã. Kết quả kiểm tra cho thấy không phát hiện kim loại nặng, độc nhất là thủy ngân thì cũng không có, còn một vài chất khác chỉ dưới ngưỡng cho phép do đây là sản phẩm đồng hành trong qui trình SX thực phẩm, nên trong thành phần không có chất độc hại cũng là điều dễ hiểu. Thành phần sản phẩm qua phân tích ra thì có: hữu cơ 25-26%, N 4 – 5%, lân thì thấp nhưng có nhiều vi lượng và đặc biệt nhất là axít amin rất tốt cho cây trồng. Khảo nghiệm trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa, AMI-AMI cho hiệu quả rất khả quan, lúa cứng cây, chắc hạt. Tuy nhiên, còn một điều khó khăn do đặc thù sản phẩm này là dạng lỏng, vận chuyển khó khăn, giá cô đặc lại dạng khô thì tốt hơn. Nhưng nếu vậy thì giá thành rất cao và quá trình cây hấp thu cũng lâu hơn, gây khó khăn cho nông dân. Chính vì vậy nên Ajinomoto đã hướng dẫn nông dân vận chuyển phân hữu cơ lỏng AMI-AMI bằng ghe thuyền, đưa ra ruộng đồng và phun tưới, sao cho phù hợp với địa hình đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL.
Nhìn chung chất lượng sản phẩm AMI-AMI đúng nguồn gốc không có gì đáng lo ngại, AMI-AMI giúp cây phát triển tốt, chỉ có vấn đề cần lưu ý là lượng nước tưới, sau khi tưới cần giữ không để ra ao hồ, kênh rạch. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, sau khi tưới lên ruộng 1, 2 hôm, cây lúa và đất đã thấm hút hết chất dinh dưỡng trong phân bón rồi. Theo tôi, quy trình áp dụng trên ruộng lúa như cách làm của nông dân hiện nay là ổn, giữ nước 10 ngày sau mới xả thì không có ảnh hưởng gì.
Thực chất, bản thân sản phẩm không có gì độc hại, nhưng bất cứ sản phẩm hữu cơ nào mà vào nước đều xảy ra quá trình vi sinh vật phân giải tiếp, hoặc quá trình oxy hóa cũng cạnh tranh oxy của sinh vật khác do vậy có thể làm giảm oxy cục bộ trong nước. Nhưng thời gian diễn ra rất ngắn, sau đó trở lại bình thường, nên chẳng ảnh hưởng gì đến môi trường”.
Có lẽ những lý giải của GS Mai Văn Quyền đã có thể giải đáp khá rõ những vướng mắc mà bà con nghe được từ những tin đồn.
Hiện tại, theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, tại thị trường ĐBSCL đã xuất hiện một số dạng “phân lỏng lạ” khác, bề ngoài nhìn gần giống AMI-AMI, nhưng chất lượng chưa có cơ quan nào kiểm định và nguồn gốc chưa rõ ràng. Để giúp bà con nông dân chọn mua phân bón hữu cơ lỏng AMI-AMI đúng nguồn gốc, bà con cần lưu ý những điểm sau:
Bên ngoài: AMI-AMI màu nâu đỏ (không phải màu đen), có mùi tương tự như mùi mật rỉ.
AMI-AMI được chứa trong các bồn, thùng 1.000 – 4.000 lít có niêm chì và dán nhãn AMI-AMI.
Khi mua AMI-AMI, bà con cần yêu cầu đại lý cung cấp các giấy tờ chứng minh nguồn gốc AMI-AMI: hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận chất lượng…
Đội ngũ nhân viên tưới AMI-AMI có mặc đồng phục của các đại lý do Ajinomoto Việt Nam ủy quyền.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Từ khóa: Câu chuyện về phân bón lỏng Ami-Ami,