Công ty Cổ Phần Phân Lân Nung Chảy Văn Điển
8/3/2023 | Lượt đọc: 148597
Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (tiền thân là Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển) được thành lập từ năm 1960. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển Công ty đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân, có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đơn vị anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, 5 huân chương lao động và rất nhiều phần thưởng của Chính phủ cũng như các ngành các cấp.
1. Bốn năm xây dựng Nhà máy:
Nhà máy Phân lân Văn Điển được Trung Quốc giúp đỡ khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 1960. Đến tháng 9 năm 1960 có 150 cán bộ công nhân viên đầu tiên được tập trung để bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ, đào tạo công nhân sản xuất, chuẩn bị cho việc quản lý điều hành Nhà máy. Trong số này có 24 người thực tập từ Trung quốc về, 3 kỹ sư mới tốt nghiệp còn lại hầu hết là bộ đội chuyển ngành.
Nhà máy được xây dựng trong thời gian hơn một năm gồm 2 lò cao, mỗi lò có công suất 10.000 tấn/ năm và một dây chuyền sấy nghiền. Đến tháng 4/1961 Công trình cơ bản đã hoàn thành và đã sản xuất 595 tấn sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề bất hợp lý về kỹ thuật, công nhệ và ô nhiễm môi trường đã nảy sinh, buộc Nhà máy phải ngừng để khắc phục. Sau gần 3 năm nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, bổ sung các giải pháp xử lý khí, bụi, thay thế máy nghiền, máy đập, ngày 1/10/1963 Nhà máy chính thức được khánh thành đi vào sản xuất. Ba tháng cuối năm 1963 Nhà máy sản xuất được 6.600 tấn Phân lân nung chảy.
2. Năm kế hoạch chính thức đầu tiên:
Năm 1964 Bộ Công nghiệp nặng giao kế hoạch chính thức đầu tiên cho Công ty sản xuất 18.000 tấn Phân lân nung chảy tương đương 90% công suất. Công ty chỉ hoạt động suôn sẻ được 7 tháng đầu năm. Từ tháng 8 năm 1964 đề quốc Mỹ đã dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ đưa máy bay bắn phá miền Bắc. Vì vậy Công ty hoạt động trong tình trạng thiếu nguyên liệu do đường sắt bị đánh phá. Tuy nhiên Công ty đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành vượt mức kế hoạch 103,8%, với sản lượng 18.396 tấn phân bón phục vụ nông nghiệp.
3. Thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1975):
Với dã tâm đẩy nước ta trở lại “thời kỳ đồ đá” nên ngoài mục tiêu triệt phá các tuyến đường giao thông nhằm cắt đứt đường chi viên cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ còn tập trung đánh phá vào các cơ sở công nghiệp làm suy yếu mọi tiềm lực của miền Bắc. Thực hiện chủ trương vừa tổ chức sản xuất vừa sãn sàng chiến đấu” Công ty đã tổ chức đào giao thông hào trong nhà máy, đắp các ụ bảo vệ các thiết bị chủ yếu. Công ty tổ chức một bộ phận đi sơ tán, một bộ phận bám trụ tại nhà máy để sản xuất và được tổ chức thành các trung đội chiến đầu. Vì vậy trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại mặc dù nguyên nhiên liệu bị thiếu, sản xuất không liên tục, Nhà máy và khu vực chung quanh bị đánh phá đến 48 lần nhưng suốt 10 năm chống chiến tranh, ngoại trừ năm 1967, Công ty đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. Lực lượng tự về của Công ty cũng đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đặc biệt trong trận đánh trả ngày 27/6/1972 trung đội pháo 12ly7 của Công ty đã bắn rơi 01 máy bay F4 của đế quốc Mỹ. Sau này lực lượng Tự vệ của Công ty đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuối năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhât của đế quốc Mỹ chấm dứt, Đảng và Nhà nước chủ trương tranh thủ thời gian, khôi phục lại các xí nghiệp bị đánh phá đồng thời xây dựng thêm các nhà máy mới. Vì vậy đầu năm 1969 Công ty được Nhà nước đầu tư xây thêm 02 lò cao để nâng công suất từ 20.000 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm. Quá trình xây dựng từ năm 1969 đến năm 1973 thì hoàn thành.
Theo thiết kế sản xuất phân lân nung chảy phải sử dụng quặng apatite loại I dạng cục có hàm lượng P2O5 từ 28 – 23%. Nhưng do trữ lượng có hạn và chiến tranh phá hoại cho nên Công ty luôn thiếu nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu thay thế quặng apatite loại I bằng quặng apatite cục loại II có hàm lượng P2O5 từ 24 – 26% và đưa vào sản xuất ổn định từ năm 1971. Ngoài ra trong thời gian này, cán bộ kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu cải tạo lại hệ thống xử lý khí thải lò cao góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất.
4. Mười năm khôi phục và kinh tế sau hòa bình thống nhất đất nước (1976- 1985):
Có thể nói giai đoạn 1976-1985 là giai đoạn vô cùng khó khăn. Thế giới đang diễn ra khủng hoảng dầu lửa, Liên xô và các nước Đông âu đang khủng hoảng kinh tế, Mỹ và các nước phương Tây thi hành chính sách cấm vận đối với nước ta. Vì vây, các nguồn việc trợ bên ngoài bị hạn hẹp, nguyên nhiên liệu không đủ cho sản xuất công nghiệp. Đối với Công ty nguồn than coke bị thiếu hụt nghiêm trọng, sản xuất bị đình trệ thậm chí năm 1979 chỉ sản xuất được 7.600 tấn, năm 1980 đạt 11.100 tấn trong khi năm 1976 đã đạt 27.600 tấn. Vì vậy kế hoạch 5 năm 1976-1980 đã không hoàn thành.
Để phục vụ mục tiêu 21 triệu tấn lương thực theo nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Công ty được Nhà nước đầu tư xây thêm 01 lò cao có công suất 50.000 tấn/năm để nâng tổng công suất lên 90.000 tấn/năm. Theo kế hoạch đợt mở rộng lần thứ 2 đến 1979 phải hoàn thành. Tuy nhiên do Nhà nước thiếu vốn đầu tư nên đến năm 1978 phại tạm dừng thi công và mãi đến năm 1983 mới khôi phục lại, đồng thời trong thời gian này, cán bộ kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu thành công dùng than antraxít nội địa thay thế cho than coke nhập ngoại. Năm 1984 công trình mở rộng lần thứ 2 chính thức đi vào sản xuất. Việc sử dụng than antraxit nội địa thay thế than coke nhập ngoại đã mang lại hiệu quả lớn: Nhà nước bớt đi hàng triệu đô la mỗi năm để nhập than coke và quan trọng hơn là Công ty đã chủ động được nguồn nhiên liệu để sản xuất.
5. Quá trình phát triển trong thời kỳ đổi mới:
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường đã có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp. Tuy đã có những thay đổi theo hướng giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, nhưng suốt từ năm 1986 đến 1989 Nhà nước vẫn còn duy trì cơ chế bao cấp lỗi thời, mua bán vật tư nguyên nhiên liệu vẫn phải theo chỉ tiêu phân phối. Công ty được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch cao, nhưng chỉ được đáp ứng 50-60% các loại vật tư thiết yếu. Vì vậy, Công ty đã thiết lập việc liên doanh liên kết với các đơn vị cung ứng vật tư, vận tải để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Mặt khác Công ty đã cố gắng phát huy nội lực, nghiên cứu khoa hoạc kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, khai thác các tiềm năng hiện có, tổ chức sắp xếp lại sản xuất. Điển hình là 02 công trình khoa học (được cấp Bằng độc quyền sáng chế) đã góp phần quyết định cho việc tồn tại và phát triển ngành Lân nung chảy Việt Nam là: Công trình nghiên cứu đóng bánh quặng mịn, than cám thành nguyên liệu nhiên liệu sản xuất góp phần giảm 10-15% giá thành và tiết kiệm tài nguyên cho đất nước và công trình nghiên cứu cải tiến lò cao sản xuất Phân lân nung chảy phù hợp với công nghệ sản xuất bằng than antraxite, nâng công suất lò cao từ 1,5 tấn/h lên 5,7 tấn /h và đến nay là trên 11 tấn/h. Kết quả Công ty không chỉ hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao mà còn mở ra một tương lai phát triển rực rỡ.
Từ năm 1990 Nhà nước chính chấm dứt cơ chế kế hoạch cũ, chuyển sang kế hoạch hóa định hướng, các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, Công ty đã tập trung cho công tác thị trường. Công ty hợp tác với các trường đại học Nông Lâm nghiêp, các viên nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong cả nước để nghiên cứu hiệu quả phân bón đối với cây trồng để hoàn thiện các sản phẩm cũ và nghiên cứu các sản phẩm mới; làm các mô hình trình diễn để tuyên truyền quảng bá về sản phẩm của Công ty, xây dựng các kênh phân phối sản phẩm. Kết quả từ năm 1990 công ty liên tục phát triển với tốc độ cao, sản phẩm của Công ty từ 02 loại đến nay đã có hàng chục loại và được tiêu thu rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài; đời sống CBCVN ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 1990 Công ty chỉ sản xuất được 38.400 tấn sản phẩm thì đến năm 2010 đã sản xuất được 311.260 tấn sản phẩm các loại, thu nhập của CBCNV đạt 6 triệu đồng/tháng. Công ty luôn là lá cờ đầu trong ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam.
6. Thành lập Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển:
Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển được thành lập và hoạt động từ ngày 1/1/2010 trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển. Vốn điều lệ của Công ty là 271 tỷ đồng trong đó Nhà nước chiếm 67%. Ngành nghề chính của Công ty là sản xuất kinh doanh Phân lân nung chảy, các loại phân bón khác, vật liệu xây dựng, bao bì, kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ. Mục tiêu của Công ty là : Không ngừng phát triển các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, nhằm đạt lợi nhuận cao nhất cho Công ty và các cổ đông, nâng cao giá trị Công ty và không ngừng cải thiện đời sống, điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động, đồng thời làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Công ty sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của một đơn vị giàu truyền thống, mong muốn được hợp tác với các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước để cùng phát triển
Từ khóa: -,